NGHỆ THUẬT PHỤC CHẾ GỐM NHẬT TÀI HOA - KINTSUGI
Nhờ sự tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng sản phẩm và những triết lý mỹ học ẩn giấu trong cả quá trình, Kintsugi không chỉ đơn thuần là phương pháp phục chế gốm Nhật đầy tính nghệ thuật, mà còn trở thành một hệ tư tưởng trong cuộc sống.
Định nghĩa về Kintsugi - kỹ thuật phục chế gốm Nhật
Trong tiếng Nhật, “kin" có nghĩa là vàng, “tsugi" có nghĩa là nối lại; cụm từ này dùng để gọi tên một kỹ thuật phục chế gốm vô cùng độc đáo của người Nhật. Kintsugi sử dụng sơn mài để hàn gắn các mảnh vỡ, hay thậm chí bổ sung những mảnh còn thiếu của đồ gốm Nhật, sau đó dùng bột vàng phủ lên trên để tạo ra sản phẩm cuối cùng đậm chất nghệ thuật.
Theo đúng như kỹ thuật Kintsugi từ lúc mới sơ khai, một sản phẩm đồ gốm đã vỡ, được áp dụng phương pháp Kintsugi để phục hồi phải trải qua hơn một tháng để phần sơn mài được phơi khô, tổng cộng mất một năm để hoàn thành. Cho đến nay, các thợ thủ công Nhật Bản đã tìm được những loại nguyên liệu tiên tiến hơn để thay thế cho sơn mài, rút ngắn thời gian hoàn thiện một sản phẩm gốm Nhật Kintsugi, khiến cho kỹ thuật phục hồi này vẫn còn được bảo tồn cho đến thời điểm hiện tại.
Nguồn gốc hình thành nên kỹ thuật phục chế gốm Kintsugi
Kỹ thuật Kintsugi được giới chuyên môn cho rằng chúng ra đời vào khoảng thời kỳ Muromachi (1336–1573). Vào lúc đó, trà và nghi thức trà đạo bắt đầu phổ biến tại Nhật Bản, đồng thời những dụng cụ pha trà và thưởng trà được coi là đồ vật cao cấp với giá cả đắt đỏ.
Trong đó nổi bật nhất phải kể đến một chiếc bát có tên gọi “Bakohan" - quà tặng Trung Hoa từ thời kỳ Heian (794-1185) - của Tướng quân Ashikaga Yoshimasa. Một ngày nọ, chiếc bát rơi xuống đất, bị nứt một đường ở đáy, cho nên ngài đã gửi Bakohan sang Trung Hoa để tìm một chiếc khác thay thế. Không may, lúc bấy giờ ở Trung Hoa, bát men ngọc tuyệt đẹp như vậy tuyệt nhiên không có chiếc thứ hai, cho nên họ đã dùng đinh nẹp để sửa chữa Bakohan và gửi lại cho Tướng quân Ashikaga Yoshimasa. Tuy nhiên khi nhìn thấy chiếc bát quý giá được sửa chữa một cách chắp nối, ngài đã không hài lòng, bèn ra lệnh cho hầu cận tìm cách phục hồi Bakohan sao cho đẹp nhất. Từ đó, kỹ thuật phục chế gốm Kintsugi ra đời.
Ảnh hưởng từ triết lý trà đạo
Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn thuần là uống trà, mà là cả một nghệ thuật cùng lễ nghi được thực hiện nghiêm ngặt, trong đó chén trà bằng gốm Nhật là một yếu tố vô cùng quan trọng. Do có sự kết nối đặc biệt này, những triết lý trong trà đạo có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của kỹ thuật Kintsugi.
Wabi-sabi thật ra là hai cụm từ ghép lại với nhau. “Wabi" được cho rằng xuất hiện từ thời kỳ Kamakura (1185-1333) và Muromachi (1336-1573), khi con người lúc bấy giờ quá khổ đau vì cuộc sống khó khăn, nhưng họ đã có thể tìm thấy sự lạc quan, sự tích cực trong nghèo khó. “Sabi” có nghĩa là cô độc, thế nhưng một lần nữa người Nhật lại học được cách chấp nhận nỗi tịch liêu, từ trong đó tìm được suối nguồn hạnh phúc. Hai từ này tạo thành cụm wabi-sabi nổi tiếng trong giới trà đạo, giúp người thưởng trà tận hưởng được vẻ đẹp và niềm vui thú ngay cả với những dụng cụ cũ kỹ, thậm chí in hằn những vết sẹo chắp vá như các chén trà Kintsugi.
Nói một cách khắt khe thì “mono no aware" khó có thể chuyển ngữ sang một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu nôm na rằng cụm từ này chỉ “nỗi bi cảm trước sự vật", hay hiểu rộng ra là tâm tình, sự rung động của con người trước cái đẹp mong manh ngắn ngủi của tự nhiên và mọi dạng thức trong cuộc đời. Người Nhật thưởng thức vẻ đẹp hoàn hảo với nước men bóng loáng của chén trà gốm còn nguyên vẹn, thế nhưng họ hiểu rõ hơn ai hết cái đẹp vô thường, sự duy mỹ trong đổ vỡ, vì vậy càng thêm trân trọng nghệ thuật chữa lành Kintsugi.
Các kỹ nghệ phục hồi gốm trong Kintsugi
Tùy vào tình trạng nứt vỡ của các vật dụng gốm Nhật mà các nghệ nhân áp dụng các kỹ nghệ Kintsugi khác nhau. Thông thường, những vật dụng bằng gốm có thể phục hồi bằng kỹ thuật Kintsugi được chia thành bốn nhóm sau.
Vỡ thành nhiều mảnh: Người nghệ nhân sẽ dùng keo lúa mạch để gắn những mảnh vỡ lại. Khi phát hiện có những chỗ khiếm khuyết, họ dùng bột gai để lấp đi chỗ thiếu rồi làm phẳng bằng sơn mài dạng sệt.
Thiếu hơn 1cm mảnh vỡ: Tương tự như cách trên, sau khi lấp đầy mảnh gốm bị thiếu bằng bột gai, người nghệ nhân dùng sơn mài dạng sệt để san phẳng những chỗ lồi lõm.
gốm nhật
Đồ gốm Nhật Kintsugi.
Thiếu dưới 1cm mảnh vỡ: Thay vì dùng bột gai, người nghệ nhân sử dụng trực tiếp sơn mài dạng sệt đổ đầy vào những nơi có mảnh vụn bị thiếu và tiến hành hoàn thiện sản phẩm.
Vết nứt: So với ba tình trạng đổ vỡ trước, vết nứt dường như là trường hợp dễ dàng phục hồi, thế nhưng thật ra lại là việc khó khăn nhất. Người nghệ nhân phải tỉ mỉ bôi sơn mài chưa được tinh chế từ cả hai mặt của vết nứt, để sơn mài ngấm vào lấp đầy những chỗ bị hở, sau đó mới dùng sơn mài dạng sệt để hoàn thiện.
Cuối cùng, người nghệ nhân sẽ chà nhám bề mặt sơn mài dạng sệt, phủ một lớp hỗn hợp bột sắt đỏ cùng sơn mài chưa tinh chế thật mỏng, rồi rắc bột vàng lên, hoàn thành kỹ thuật phục chế gốm Kintsugi một cách tinh tế.
Bài học cuộc sống từ nghệ thuật chữa lành gốm Nhật
Nhờ sự tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng sản phẩm và những triết lý mỹ học ẩn giấu trong cả quá trình, Kintsugi không chỉ đơn thuần là phương pháp phục hồi đồ gốm Nhật, mà còn trở thành một hệ tư tưởng trong cuộc sống.
Đừng giấu đi những thương tổn: Ông bà ta có câu “tốt khoe xấu che", tuy nhiên điều này đôi khi có thể trở thành áp lực trong cuộc sống khi xung quanh ai cũng khoác lên vẻ bề ngoài thành công và đẹp đẽ. Kintsugi cho chúng ta thấy ngay cả những vết sẹo cũng có giá trị và vẻ đẹp riêng, hãy trân trọng và yêu thương chính mình, dù có khiếm khuyết đi chăng nữa.
Nhìn thấy cơ hội trong khó khăn: Cuộc sống luôn đầy rẫy gian nan và thử thách. Thay vì than khóc, khi chúng ta học cách chấp nhận, từ đó tìm thấy ánh sáng sau đường hầm, những khó khăn đó sẽ trở thành cơ hội để chúng ta tỏa sáng, và thậm chí có thể được xem trọng hơn trước đây, như cách các nhà sưu tầm săn đón những sản phẩm đồ gốm Nhật Kintsugi.
Kết nối trong cuộc sống: Nếu không biết cách khéo léo kết nối những mảnh vỡ, cho dù là Kintsugi hay bất cứ phương pháp nào cũng không thể phục hồi một vật dụng đã không còn nguyên vẹn. Nguyên lý này cũng tương đồng với cách chúng ta kết nối và duy trì những mối quan hệ trong cuộc sống. Biết trân trọng, dành thời gian và sự chân thành cho gia đình, bạn bè xung quanh bởi vì họ là những người luôn ở bên khi chúng ta gặp khó khăn chính là bài học mà kỹ thuật phục hồi gốm Kintsugi muốn nhấn mạnh.
Những chén gốm Nhật sứt mẻ được phục chế từ kỹ thuật Kintsugi không chỉ là tác phẩm tuyệt mỹ có giá trị nghệ thuật cao, mà còn ẩn chứa những triết lý cuộc sống đáng suy ngẫm.